Đặc sản Cần Thơ ở Cần Thơ - TripHunter

Đặc sản Cần Thơ

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Cần Thơ

Gỏi xoài khô cá sặc
Món ăn đơn giản này chỉ từ xoài và khô cá, tuy nhiên, đừng nghe tên nguyên liệu mà đánh giá độ thơm ngon của món ăn này nhé. Nguyên liệu chính của món ăn này bao gồm xoài xanh, cà rốt, cá sặc khô, hành tím, chanh, tỏi, ớt, nước mắm, đường và rau răm.
Khô cá sặc nướng trên lửa than tới khi dậy mùi thơm là mang xuống xé nhỏ, làm thật kỹ để loại bỏ hết xương cá. Xoài tượng tươi có sẵn ngay trong vườn nhà, hái về gọt phần vỏ ngoài, để nguyên trái, dùng dao mỏng băm dọc đều tay thành vệt dài trên mặt trái hoặc bào cho ra sợi, trộn chung với những nguyên liệu kể trên, nêm nếm gia vị vừa phải, vị chua của xoài, cay từ ớt, thơm ngon của cá và nước mắm ngon đã níu giữ bao thực khách phương xa tới đây.

Bánh tét lá cẩm
Bánh tét từ lâu đã là món ăn truyền thống quen thuộc của người miền Trung và Nam bộ. Để làm bánh phải có những nguyên vật liệu: lá chuối, dây lát, nếp, đậu xanh cà và mỡ heo. Không giống với những vùng khác, bánh tét của Cần Thơ biến tấu đa dạng, mang hương vị đặc trưng riêng, thơm ngon riêng của vùng “gạo trắng, nước trong” này.
Nói đến bánh tét lá cẩm tại Cần Thơ thì phải nói đến bánh tét của gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy. Sự độc đáo ở đây nằm ở chỗ nấu lá cẩm lấy nước làm màu cho hạt nếp, ngoài nhân truyền thống, bánh còn biến tấu thêm nhân hột vịt muối, tôm khô và chuối.
Công đoạn làm bánh cũng được thực hiện vô cùng kỳ công và nghiêm ngặt, nên những đòn bánh tét mang hương vị vô cùng thơm ngon, lạ miệng, làm đắm say thực khách bốn phương. Người làm vô cùng cẩn thận trong mọi khâu thực hiện bánh: từ chọn nguyên vật liệu, cách chế biến nguyên vật liệu đến khâu gói và nấu.
Đầu tiên là khâu tuyển chọn nguyên vật liệu: nếp phải là nếp ngon, hạt gạo đều, không bị nát. Lá cẩm phải tươi, mang về rửa sạch, nấu và lược lấy nước làm màu bánh. Đậu xanh ngâm, nấu nhừ. Nước cốt dừa nạo tươi. Cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa, khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp, vừa chín khoảng 30%. Khâu này cực kì quan trọng để quyết định màu bánh, độ thơm ngon vừa ăn của bánh. Để có bánh ngon phải buộc bánh bằng dây nylon để chắc bánh, xong khâu gói, mang nấu bánh bằng bếp củi trong khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.
Bánh tét lá cẩm có mùi vị đặc biệt không lẫn vào đâu được . Mùi thơm của lá cẩm, béo ngậy của thịt và nước cốt dừa hòa quyện với nhân đậu xanh ngon không thể cưỡng lại được. Thật thiếu sót cho bạn nếu tới đây mà không được thưởng thức món ăn quen thuộc nhưng vô cùng đặc biệt này.

Bánh cống Cần Thơ
Bánh có tên gọi này là do khuôn làm bánh có hình dạng như một cái cống lòng sâu. Hỗn hợp bột bánh sau khi trộn đều sẽ được đổ từ từ vào khuôn, bên trong là sự hòa quyện của đậu xanh, thịt băm (đã được xào chín trước đó) và tôm tươi nên có hương vị thơm ngon, đậm đà làm mê hoặc thực khách gần xa.
Nguyên liệu chính để làm bánh cống là bột, đậu xanh, thịt heo băm nhuyễn và tôm. Cái thú vị đặc biệt trong quá trình làm bánh này chính là những cái khuôn để chiên bánh. Khuôn bánh cống nhìn sơ qua giống như cái vá cán dài, nhưng lòng thì sâu hơn. Bột để làm bánh có thành phần chủ yếu là bột gạo tẻ có pha chút nếp và bột mì. Bột được pha lỏng, thêm hành lá, gia vị và lòng đỏ trứng gà để có được màu vàng đẹp mắt và cũng như thêm vị béo. Người ta thường dùng đậu xanh hột nấu chín khi ăn có cảm giác như bùi hơn. Đậu xanh được trộn với thịt heo đã xào chín nêm nếm vừa ăn. Phần tôm thì chỉ làm sạch, để tươi không bóc vỏ. Đổ bánh cống tuy không phức tạp nhưng phải khéo thì mới ngon và giòn được.
Bánh chiên ra ăn nóng với nước chấm được pha chế đặc trưng, ăn kèm với rau xà lách (rau diếp) hoặc cải đắng, thêm chút rau thơm, húng lủi, lá non cây lụa, lá non cây cơm nguội. Vị giòn, xốp của vỏ bánh, cái ngọt của thịt, tôm cộng thêm chút bùi bùi lạ miệng từ đậu xanh, ăn hoài mà không thấy ngán.

Nem nướng Cái Răng
Nem là món ăn rất quen thuộc trên cả ba miền đất nước, với Cần Thơ thì nem càng trở nên quen thuộc và đầy hương sắc, vị thơm ngon rất riêng không miền nào sánh được.
Nem cũng làm từ thịt heo tươi, quết dẻo, thêm gia vị và được nướng trên than hồng, từng cái nem mướt mắt, ngậy mùi thơm ăn cùng với bánh tráng, rau sống, chấm cùng với chén nước tương xay. Chính sự tỉ mỉ, công phu trong từng bước thực hiện cùng khâu chuẩn bị nguyên liệu nghiêm ngặt đã làm nên hương vị rất riêng của thứ nem Cái Răng này.
Cũng giống như quy trình làm nem ở những vùng miền khác, thịt heo mua về phải thật tươi ngon, làm sạch, thái mỏng ướp gia vị cho thấm rồi bỏ vào cối quết đến khi thịt thật nhuyễn. Thịt quết càng nhuyễn bao nhiêu thì càng có độ dẻo bấy nhiêu. Sau đó được viên tròn lại, xâu vào thanh tre và đem nướng trên bếp than hồng. Nem dùng kèm với các loại rau thơm, rau sống, chuối chát, khế chua, cuốn với bánh tráng, thêm chút bánh hỏi trắng nõn. Nước chấm là nước tương sệt có chút ớt và đậu phụng giã nhuyễn.
Điều thú vị của việc thưởng thức nem nướng Cái Răng là du khách có thể vừa ngồi đợi, vừa quan sát được quy trình làm nem từ lúc những viên nem tròn trịa trắng tươi xâu vào que tre, được đảo đều thoăn thoát bởi đầu bếp khi nướng, đến khi nem chín vàng với mùi thơm ngào ngạt từ bếp than hồng đến khi được bưng lên bàn ăn. Ngon từ thị giác, khứu giác đến vị giác.
Nhiều người cho rằng, điều làm nên hương vị tuyệt vời của món nem nướng Cái Răng có thể nằm ở khâu nêm nếm gia vị, tuy nhiên bí quyết thực sự làm nên món ăn nức tiếng này khó ai giải thích cặn kẽ được. Nếu đến nơi này, hãy một lần thưởng thức để đoán xem công thức làm đặc biệt của món đặc sản này là gì nhé!

Ốc nướng tiêu
Có thể bạn đã từng thử món ốc nướng tiêu ở đâu đó trong các tour du lịch miền Tây của mình nhưng có lẽ vị ốc nướng tiêu những nơi đó sẽ không độc đáo như ở Cần Thơ đâu nhé.
Để làm món ốc này, người ta thường luộc sơ qua ốc rồi mới nướng. Những con ốc bỏ lên bếp than được rưới thêm một chút nước mắm đã được pha chế có chút tiêu, tỏi băm, bột ngọt,.. khi ốc sủi tăm nghĩa là đã có thể dùng. Ốc được lấy ra khỏi bếp, đặt trên đĩa đã trang trí sẵn rau răm và dùng nóng. Khi thưởng thức, món ốc nướng tiêu có vị thơm của mùi than nướng, độ ngọt và giòn của ốc. Ốc nướng tiêu ăn đúng điệu phải húp cả nước gia vị bên trong ốc. Vị mặn, hơi cay của nước ốc càng làm cho món ăn thêm phần hấp dẫn và lạ miệng. Cũng có lẽ vì thế khi dùng món ăn này, người ta không cần thêm thứ nước chấm nào khác.

Bánh tầm bì
Có lẽ chính do sợi bột gạo se lại bằng tay và luộc chín nhìn như con tằm, ăn cùng với bì nên bánh có tên là bánh tằm bì. Người ăn món này đầu tiên đều cảm thấy sửng sốt vì món ăn vừa mặn lại vừa ngọt. Ngọt bởi nước cốt dừa và mặn vì nước mắm chua ngọt chan kèm. Vị bánh tan trong miệng hòa quyện cùng nước chấm làm say lòng thực khách bốn phương.
Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong xửng trên bếp than nên luôn nóng hổi, những sợi bì óng ánh thơm ngon, còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt, thơm ngào ngạt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hòa quyện vào những sợi bánh tầm bì trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua. Nếu thêm chút xíu mỡ hành thì sẽ tuyệt vời hơn nữa. Chính mùi thơm thanh của rau cải hòa quyện với cái bùi bùi của bì và vị béo của nước cốt dừa kích thích sự thèm ăn cho thực khách phương xa.

Ba khía rang me Cần Thơ

Ba khía là một loại họ cua có càng to, sinh sống nhiều nhất ở vùng nước lợ, mặn, trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, nhiều nhất ở U Minh. Do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía.
Ba khía có thể chế biến thành nhiều món khá độc đáo như nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, hấp bia, rang muối… nhưng độc đáo nhất phải kể là ba khía rang me. Cách làm ba khía rang me tuy không khó nhưng phải rất khéo léo và tỉ mỉ thì mới chế biến được ra cái vị riêng của nó. Ba khía tươi phải chọn được những con cái, có yếm cứng, thịt nhiều. Sau khi đã sạch bùn, ba khía được tách bỏ mai lấy phần thân rửa sạch để ráo nước. Sau đó phi tỏi vào ba khía xào chín cho đến khi ba khía chín thịt rồi đổ nước sốt me đã nêm nếm gia vị vào rim cho đến khi nước sệt lại là được.
Gắp càng ba khía cùng với rau răm đưa lên miệng nhai chậm rãi, chúng ta sẽ cảm nhận được vị béo, giòn của ba khía hòa lẫn vị cay cay của rau răm, vị chua của me, vị bùi của đậu phộng làm cho món ba khía rang me ngon tới độ đánh thức mọi giác quan của thực khách. 

Bánh đúc Cần Thơ
Các gánh hàng rong với món bánh đúc dân dã đã trở thành hình ảnh quen thuộc với người dân xứ Cần Thơ. Đây là món ăn vặt rất hấp dẫn mà bạn nhất định phải nếm thử khi tới miền đất này.
Bánh đúc được coi là thứ quà vặt, thường không kén người ăn. Cách làm bánh cũng khá đơn giản: gạo được ngâm kĩ trước khi cho vào cối, xay thành bột. Lá dứa rửa sạch, xay nhuyễn, lọc lấy nước. Sau đó, đổ bột gạo và nước lá dứa vào nồi nấu sôi. Bí quyết để có một nồi bánh đúc ngon là khi nấu phải chú ý canh lửa và khuấy thật đều tay.
Bánh đúc Cần Thơ có hai loại bánh đúc ngọt và bánh đúc mặn. Bánh đúc ngọt có màu xanh lá dứa bắt mắt, nếm một miếng bánh, người ăn sẽ cảm thấy độ dai của bánh quyện với vị béo của nước cốt, vị ngọt của đường, vị bùi bùi của đậu phộng cộng với mùi thơm thoang thoảng toả ra từ lá dứa, tất cả hoà quyện làm nên món ăn tuy bình dân mà tinh tế. Còn bánh đúc mặn có màu trắng phau, được ăn kèm với tôm khô xay nhuyễn, dưa leo bằm, giá trụng, rau thơm, chan nước mắm ớt và vài muỗng nước cốt dừa. Món ăn này đậm đà, hấp dẫn thực khách từ cách trình bày đến hương vị.

Lẩu bần Phù Sa

Bần là một loài cây dân dã mọc nhiều ở các bãi bồi phù sa thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trái bần có hình tròn, dẹt, có vị chua và chát. Lẩu trái bần khi kết hợp với những nguyên liệu trứ danh vùng này: cá tra, cá basa, cá điêu hồng, ăn kèm cùng các loại rau dân dã: bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng, bông điên điển… tự toát lên hương vị rất đặc trưng của miền đất Tây Đô này.
Cách nấu lẩu bần cũng không khác các loại lẩu khác của người miền Tây. Nước lẩu được ninh từ cá tươi để có vị ngọt thơm đặc trưng, có thêm xương heo được nêm nếm vừa ăn với một chút nước cốt me chua, sau đó cho thêm ít rau thơm cắt nhuyễn và ớt lát để thêm vị cay cho lẩu. Nước lẩu bần rất thơm, có vị chua ngọt rất thanh và đặc trưng hương bần khá đặc biệt. Về phần cá sẽ được làm sạch, cắt khúc và cho vào lẩu chín tới, người ta vớt cá ra bỏ vào đĩa nước mắm mặn có chút ớt lát để cá thêm đậm đà. 

Phở cá Cần Thơ 
Phở cá là sự kết hợp ẩm thực giữa hai địa phương khác nhau đó là Hà Nội và Cần Thơ. Phở cá được ra đời dưới bàn tay tài hoa của một người gốc Bắc. Sự kết hợp mạnh dạn nhưng hài hòa này đã tạo nên hương vị phở cá chỉ có duy nhất ở Cần Thơ.
Phở cá Cần Thơ ngon lạ bởi vị béo vừa phải, ngọt thanh đạm từ nước dùng hầm từ xương cá, đầu cá, xương ống. Phở cá không giống như các món phở khác, từ cách nấu cho đến mùi vị. Điểm nhấn của món này nằm ở phần thịt cá. Cá lóc luộc qua, gỡ lấy thịt, tách thành từng miếng nhỏ cỡ ngón tay, đem chiên vàng hai mặt. Kèm theo tô phở cá thơm ngon là những loại rau ưa thích như rau nhút, húng, lủi, thêm một bát nước chấm ngọt cay để dùng khi cần.
Tô phở cá bốc khói vừa được bưng ra đã thấy hấp dẫn. Sợi phở ăn dai dai, nước trong, có vị ngọt tự nhiên và không quá béo. Thực khách gắp miếng cá chấm vào chén nước mắm nguyên chất có để vài lát ớt rồi cho vào miệng nhai chậm, ăn hết tô phở lúc nào mà không hay.

Cá lóc nướng trui cuốn đọt sen

Sở dĩ được gọi là cá lóc nướng trui vì cá mới được bắt dưới sông lên, không cần qua các bước sơ chế mà chỉ đơn giản là rửa sạch, sau đó xuyên cá vào một cái que bằng tre hoặc cành cây từ miệng cho tới đuôi, vùi vào những đống rơm khô, hoặc được cắm xuống đất, phủ rơm lên, đốt lửa cho đến khi tro tàn. Khi chín, da cá từ từ nứt ra để lộ những mảng màu vàng ruộm, thịt trắng ngần, mùi thơm bốc lên phưng phức như muốn níu kéo thực khách. Lấy que tre cạo bỏ hết lớp vảy khét bên ngoài rồi dùng đũa xé cá ra làm đôi, rắc lên ít đậu phộng rang vàng và rưới thêm mỡ hành là đã có món cá thơm lừng.
Cá lóc nướng có thể ăn kèm với bún cuốn bánh tráng, nhưng thú vị nhất là cuốn đọt sen non, thứ đọt hái vào buổi sáng còn ngậm sương đêm. Với người sành ăn, bao tử cá là thứ ngon nhất, cho vào miệng nhai nghe sần sật, tim cá vừa cứng vừa giòn, ruột cá dai dai, còn gan và trứng thì vừa bùi vừa béo, ăn thì thú không gì bằng.
Món này còn hơn thua nhau ở chỗ nước chấm, đặc biệt ngon nhất khi chấm với nước mắm me. Me non mang về đem nướng chín, bóc vỏ bỏ hột hòa chung vào chén nước mắm ngon, thêm tỏi, ớt, đường sao cho vừa ăn, tạo một hương vị nồng thắm, đậm đặc nhưng không quá mặn. Đặc biệt là sự phối hợp giữa cá và lá sen, giữa gia vị và rau củ. Chính vị chát, chua, thơm, ngọt, mặn của rau thơm và hương vị tuyệt vời của nước chấm có thể làm hài lòng bất kì vị giác của thực khách khó tính nào.

Gà vườn um dâu Cần Thơ

Trái dâu chín trông như trái bòn bon, có vị ngọt thanh thơm ngon, là món ăn chơi của khách nhàn du. Nhưng khi đưa vào nấu nướng lại tạo thành món ăn vừa lạ vừa độc đáo mà chẳng ở nơi nào có được.
Để chế biến được món gà um dâu thật ngon, người đầu bếp không chỉ khéo léo mà còn phải thật tinh tế trong nêm nếm thì mới có thể hoàn thành được món ăn đậm đà trọn vẹn. Gà để um phải là gà vườn, thịt thật chắc, dâu để um thì phải chọn những trái dâu tươi nguyên chín tới. Gà làm sạch chỉ lấy phần thân rồi đun sôi trong chảo dầu lửa lớn, có thêm vài tép tỏi đập dập cho thơm. Khi gà chín vàng đều thì vớt ra để ráo, rồi xé nhỏ thịt gà như xé phay, sau đó chuẩn bị dâu để um. Dâu tươi tách vỏ, lấy ruột dâu sên với đường vàng, khi dâu đã sệt lại trộn với gà xé, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bỏ lên bếp lửa nhỏ, rim gà thêm 10-15 phút thì hoàn tất.
Vị ngọt của từng thớ thịt gà vườn chắc nịch, quyện trong nước cốt dâu đã sên đường có một chút vị chua thanh thanh, cùng vị thơm của lá răm thoang thoảng, ngon không gì tả được.

Bánh xèo Cần Thơ

Bánh xèo là một trong những nét đặc trưng nổi bật nhất của ẩm thực miền Tây. Tên bánh xèo gắn với hành động khi tiến hành đổ bánh: người ta múc một chén bột đổ vào một chảo gang nóng bừng, nghe “xèo” một tiếng, cái tên bánh “xèo” cũng có lẽ khởi nguồn từ âm thanh vui tai ấy.
Loại bột để làm bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ. Sau khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta mới tiếp tục cho nhân bánh vào. Nhân bánh thông thường gồm có: tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống, nhưng cũng có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng lại cho thêm củ hủ dừa và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ. Bánh xèo muốn ngon thì phải có vỏ mỏng và giòn, bếp lửa cháy to và đều để khi đổ bột vào tới đâu thì bánh chín luôn.
Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước mắm được pha loãng, trộn với ớt, đường, chanh và vài tép tỏi băm nhuyễn. Thay vì pha loãng bằng nước không, nhiều nơi sử dụng nước dừa nên khi ăn cảm nhận được hương vị vừa phải lại thanh mát. 
Người miền Tây ăn bánh xèo với rất nhiều loại rau sống. Bên cạnh đĩa bánh giòn tan nóng hổi là đĩa rau sống đa dạng gồm lá cách, lá lụa (lá non của cây xoài, mận..), lá cải xanh... Bánh xèo miền Tây không ăn với bánh tráng cuộn như ở ngoài Bắc mà chia nhỏ, cho trực tiếp lên lá rồi cuốn, chấm với nước mắm thơm lừng. Khi ăn, thực khách có thể cảm nhận vị giòn tan của vỏ bánh, vị sần sật của củ hủ dừa, vị đậm đà của thịt và tôm. Ăn bánh xèo phải dùng bằng tay mới thấy được vị ngon dân dã cuốn trong từng chiếc bánh.

Pizza hủ tíu

Cái tên lạ này xuất hiện do du khách phương Tây khi đến tham quan lò sản xuất hủ tíu trên đất Tây Đô, sau khi thưởng thức chiếc bánh hủ tíu chiên giòn thơm ngon đã thốt lên cái tên ngộ nghĩnh đó.
Làm hủ tíu chiên giòn không khó lắm nhưng để cho món ăn được ngon vừa miệng đa số thực khách thì cần phải có những bí quyết riêng. Trước hết, cho hủ tíu bột lọc ướp với một chút bột nêm cùng một chút tiêu vừa khẩu vị và dậy mùi thơm. Cho hủ tíu vào ngập trong mỡ (dầu) đang sôi. Dùng xạng trở đều cho hai mặt chín vàng ươm là vớt ra đĩa. Kế đến, rắc hành lá xắt nhuyễn cùng tương ớt lên là có thể thưởng thức. Bẻ miếng bánh hủ tíu chiên giòn cho vào miệng nhai giòn tan. Vị mặn mặn, béo béo, chua chua, cay cay, lan tỏa trong vòm miệng thật hấp dẫn.
Ngoài món hủ tíu chiên giòn, người dân ở đây còn chế biến ra món hủ tíu chiên giòn thịt khìa, sữa. Công đoạn tiến hành thực hiện món này cũng giống như ở phần trên (chỉ khác một chút là hủ tíu lạt, không ướp gia vị). Thịt khìa phải chọn loại thịt thăn và khìa với nước dừa xiêm cho có hương vị đậm đà, xắt miếng nhỏ. Nước cốt dừa pha với sữa tươi theo một tỉ lệ nhất định cho nước cốt có độ sệt, vị béo thơm.

Lẩu mắm Cần Thơ

Đây là loại lẩu đặc sắc của miền Tây bởi tổng hợp nhiều yếu tố ẩm thực mang tính đặc trưng của miền sông nước. Nguyên liệu cơ bản phải có là mắm, cá tươi, rau các loại. Về mắm, có nhiều loại mắm để làm nước cốt như mắm cá linh, cá sặc, cá trèn, cá lóc, cá rô. Trong đó, đặc sắc nhất và thường được các thợ nấu sử dụng nhiều nhất là mắm cá linh.
Mắm ngon được cho vào nồi nước đun sôi liu riu cho ra chất ngọt, sau đó lọc bỏ xương, cặn và tiếp tục nấu sôi. Cuối cùng là sả bằm, sả cắt khúc, đường, bột ngọt... cho vào nồi. Đây là công đoạn quan trọng nhất của món lẩu mắm. Độ đậm nhạt của nước lẩu được gia giảm sao cho phù hợp với khẩu vị của thực khách, loãng quá sẽ thiếu vị mắm, mà đặc quá dẫn tới mặn, ăn cũng mất ngon.
Rau lẩu có đến vài chục loại rau, ngoài các loại rau thông dụng như rau muống, rau nhút, cần nước, cà tím… còn có gần như đủ các loại rau xứ miệt vườn như bông bí, bông súng, điên điển, rau đắng…Đặc biệt, món ăn sẽ thêm phần thú vị khi có chén nước mắm me, ớt tươi thái mỏng và vắt thêm một miếng chanh cho có vị chua chua để tô bún thêm thơm ngon và thú vị hơn.

Cá rô mề kho tộ Cần Thơ

Cần Thơ vốn là vùng sông nước rất giàu các loại tôm, cá. Chính vì vậy ở đây có rất nhiều món ăn ngon, nổi tiếng, được chế biến từ các loại cá như cá lóc nướng trui, canh chua cá, phở cá… Một trong những món ăn từ cá được thực khách bốn phương hết lòng thán tụng đó chính là cá rô mề.
Thịt cá rô mề ngọt, béo, thơm ngon, chế biến món ăn nào cũng tuyệt. Khi nhắc tới cá rô mề, ta thường biết những món như: cá rô mề nướng chấm nước mắm chanh tỏi ớt, cá rô mề chiên xù, cá rô mề kho rau răm, kho lá giang, kho củ cải, kho khổ qua, v.v… Nhưng ít ai khám phá được món ăn dân dã nơi đây, đó là: cá rô mề kho tộ.
Cá rô tươi mới bắt về được làm sạch, ướp với gia vị cùng một chút tóp mỡ, bỏ vào nồi đất và để trên bếp nấu với lửa nhỏ. Cứ để lửa liu riu như thế cho đến khi cá chín và nước kho quyện lại thành một hỗn hợp nâu sệt, thơm bừng là lúc đó có thể dùng được. Cá rô mề kho tộ còn ngon hơn khi được hâm lại nhiều lần. Mỗi lần để lên bếp là mỗi lần cá thêm đậm đà hơn, nước kho sệt hơn và ngon hơn.
Cá rô mề Châu Đốc vốn dĩ đã béo ngậy, thịt ngọt và thơm, quyện trong vị rau răm hơi nồng khiến thực khách dùng hoài với cơm mà không biết chán.

Trâu luộc mẻ Cần Thơ 
Món trâu luộc mẻ Cần Thơ được chế biến đơn giản nhưng nếu không khéo léo thì không thể nào ngon được. Để làm món này, thịt trâu phải thật tươi, được cắt ngang thớ, ướp sả, tỏi, ớt, hành tây và gia vị để thấm. Nước lẩu nấu với mẻ chua đã được lọc xác, nêm nếm vừa ăn. Khi ăn chỉ cần nhúng thịt trâu đã ướp gia vị vào nước lẩu đang sôi cho thịt chín tới, sau đó chấm với nước chấm cũng được pha chế từ mẻ đã nêm nếm vừa đủ chua ngọt.
Thưởng thức món trâu luộc mẻ phải ăn với rau vườn: cần nước, ngò gai, cải bẹ xanh, cải trời, bông súng, kèo nèo, dưa leo, mướp… và không thể thiếu khế chua, chuối chát. Vị chua thanh nhưng đậm của mẻ, vị ngọt từ thịt trâu, vị thơm bùi của rau đồng cỏ nội đã làm cho món trâu luộc mẻ Cần Thơ hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan vùng đất này.

Hủ tiếu khô Sa Đéc

Hủ tiếu Sa Đéc trước nay được xếp vào hàng món ngon Nam Bộ, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Thật ra, hủ tíu Sa Đéc không chỉ ngon ở vẻ bề ngoài mà ở chính hương vị của nó không lẫn vào đâu được. Hương vị đó được tạo ra bởi sự hòa quyện của hai thành phần chính trong tô hủ tíu là bánh hủ tíu và nước súp.
Những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà bày lên đĩa, bên trên là tim, gan, thịt heo thái mỏng. Thêm chút hẹ, xà lách tươi xắt nhuyễn và hành phi càng tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng đĩa hủ tiếu, đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn. Để người ăn không cảm thấy khô, đĩa hủ tiếu được phục vụ kèm chén nước dùng.

Rượu mận Sáu Tia Cần Thơ

Đó là loại rượu mận nổi danh trên vùng đất cù lao miền Tây sông nước. Người sáng chế ra thứ rượu này là ông Nguyễn Phú Tia hay quen gọi là Sáu Tia, sau nhiều năm mày mò, nghiên cứu cuối cùng ông đã điều chế thành công ra loại rượu mận độc đáo có một không hai này.
Rượu được sản xuất từ nguyên liệu chính là trái mận An Phước, nếu là mận khác thì mùi vị và chất lượng sẽ không đạt yêu cầu. Rượu mận chủ yếu được sản xuất trong quy trình thủ công thông qua phương pháp nấu chứ không ngâm, kết hợp với mạch nha cho lên men tự nhiên và được chưng cất để lấy rượu. Cuối cùng đã tạo ra một hương vị thơm ngon độc đáo. Với thành phần hoàn toàn không sử dụng cồn và một loại hóa chất hay hương liệu nào nên không hề gây hại cho sức khỏe.
Loại rượu này để càng lâu càng tốt. Uống vào thì say nhưng không "xỉn", khi tỉnh dậy rất tỉnh táo, không có những triệu chứng như khô họng, nhức đầu, uể oải, nóng, khát nước... như những loại rượu khác, lại hỗ trợ tiêu hóa rất tốt. Theo kiểm nghiệm của cơ quan chức năng  thì nồng độ andehyde (chất gây nhức đầu) không đáng kể nên rất dễ uống. Nhấp ly rượu mận cay nồng, thơm ngọt mùi mận chín mang đậm nét miền Tây này là một thú vui cực kì tao nhã.

Chuối nếp nướng

Trong các món ăn vặt ở Cần Thơ thì chuối nếp nướng là một trong những món ăn chiếm vị trí đầu trong danh sách. Những trái chuối nếp bé xinh, không quá dài cũng không quá mập, lớp nếp bên ngoài vừa đủ bao bọc thân trái, được bọc tiếp trong lớp lá chuối và đặt lên bếp than nướng thơm ngát. Chuối nếp nướng muốn ngon thì phải chọn những trái có màu nâu giòn ở lớp nếp ngoài, màu trắng mềm ở lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối. Khi ăn, luôn phải kèm theo mấy muỗng nước cốt dừa để tạo vị béo.
Chuối vừa nướng chín bốc mùi thơm nức trộn lẫn giữa vị ngọt thanh của chuối, béo của dừa, và cả hương khét khét thơm thơm dìu dịu của lá chuối. Cầm trái chuối nóng cắn ngập chân răng thấy tươm ra chất đùng đục của dừa với nếp, béo ngậy... tan ngay trong miệng, ngon không thể tả bằng lời.

Dâu Hạ Châu Phong Điền

Ngoài những vựa cây trái lớn với những làng sinh thái nổi tiếng: Mỹ Khánh, chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ còn nổi lên thương hiệu dâu Hạ Châu - loại trái chỉ có tại mảnh đất màu mỡ phù sa này. Dâu Hạ Châu có điểm đặc biệt vượt trội hơn các loại dâu khác là chín có màu vàng nhạt, vỏ mỏng, da căng mọng, có vị ngọt đậm, sau khi ăn sẽ thấy chua nhẹ rất hấp dẫn.
Mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Dâu Hạ Châu không có màu đỏ mọng như dâu da xoan mà có màu vàng nhạt khi chín. Loại dâu này có nhiều múi bên trong như trái bòn bon nhưng mọng nước hơn nên mềm hơn, hạt to hơn và được bọc bên ngoài một lớp màng mỏng manh nhìn rất hút mắt.

Bún cá Cần Thơ
Nước dùng bún cá Cần Thơ được nấu từ xương heo và các loại rau củ để cho ra nước trong và có vị ngọt thanh. Cá dùng trong món bún này thường là cá lóc tươi đem luộc và chả cá chiên. Đặc biệt, bún ở đây có sợi to, dai, được làm từ làng bún Ô Môn. Món bún cá Cần Thơ ăn kèm với rau sống như rau muống, giá, bắp chuối,... và nước mắm trong.

Bún tôm khô Cái Răng
Nước lèo của bún được nấu từ tôm khô xào mỡ. Tô bún gồm có tôm khô, vài miếng tiết lợn, da lợn cùng một miếng chả trứng tôm khô. Món này ăn kèm với rau sống như rau muống, giá, bắp chuối,... 

Cá kèo nướng ống sậy
Cá kèo vốn dĩ thịt rất ngọt, thơm và không tanh nên khi nướng với ống sậy càng làm món ăn thơm ngon, ngọt thịt. Món này ăn kèm với rau thơm, chuối chát thái lát mỏng và muối ớt. Tại Cần Thơ có nhiều quán phục vụ món cá kèo nướng ống sậy nhưng ngon và nổi tiếng nhất là tại nơi khai sinh ra nó – nhà hàng Hoa Sứ Cần Thơ.

Bánh hỏi - heo quay Phong Điền
Đây là món ăn nổi tiếng do các nhà vườn ở Phong Điền tự chế biến và phục vụ du khách. Bánh hỏi được làm từ bột gạo, khi ăn có tẩm thêm mỡ hành cho bánh thơm ngon, dễ ăn hơn. Thịt heo quay giòn, ít mỡ, vị hơi nhạt để chấm với nước mắm chua ngọt là vừa miệng. Món này ăn kèm giá sống, rau thơm và dưa leo.

Cháo sò huyết
Đây là món ăn bình dân ở TP Cần Thơ, bán nhiều nhất ở vỉa hè đường Lý Tự Trọng. Cách chế biến món ăn này khá đơn giản. Sò được rửa sạch, cho vào nồi nước sôi luộc 5 phút. Khi sò tách vỏ, vớt ra lấy ruột, rồi đem ướp với gia vị, phi qua với tỏi mỡ, hành tím. Cháo phải được nấu từ gạo rang, thêm đậu xanh và thịt heo để có vị thơm ngon. Khi cháo chín, múc ra tô, để sò lên trên rồi rắc hành, ngò, tiêu vào. Cháo ăn kèm với bánh củ cải, giá sống, nước mắm và chanh, ớt.

Rượu mận Sáu Tia
Đây là đặc sản của cù lao Tân Lộc, do ông Nguyễn Phú Tia (Sáu Tia) sáng chế ra với mục đích giúp đỡ bà con trồng mận kiếm thêm thu nhập. Sau 6 năm nghiên cứu, năm 2012 ông đã chính thức cho ra đời rượu mận Sáu Tia. Đây là một loại rượu trái cây, lên men tự nhiên, không có nồng độ Andehite (chất gây nhức đầu) vì thế rất tốt cho sức khỏe, hỗ trợ tiêu hóa, tăng hương vị cho các bữa ăn. Hiện nay, một chai rượu mận Sáu Tia 600ml có giá bán là 230.000đ. 

Chuột quay lu
Chuột làm sạch lông, để nguyên con cho vào lu quay lên, ăn rất béo và thơm. Ở Cần Thơ, quán chuột quay lu Hoàng Vũ là nổi tiếng ngon nhất vùng, nằm trên đường quốc lộ 1A, cách chợ Cái Răng 2km hoặc quán Cây Bưởi ở Hàn Dương, TP Cần Thơ.

Bưởi Ô Môn
Ô Môn nổi tiếng là khu miệt vườn trái cây của Cần Thơ, đặc biệt là các giống bưởi. Bưởi trái to, nặng khoảng 3-4kg, ruột hồng, có vị ngọt thanh. 

Chè bưởi Cần Thơ
Người ta lấy vỏ bưởi gọt bỏ lớp vỏ xanh, nhồi nước muối cho hết vị the sau đó thái nhỏ thành hình sợi, vuông cạnh, đem nấu với nước đường tinh và đậu xanh là có ngay món chè bưởi thơm ngon. Chè múc ra chén, trên cùng thêm nước cốt dừa sệt thơm mùi vani.

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận